Logo
03/29/2015

Sự trùng hợp kỳ lạ của hai bậc thiên tài

Những từ tưởng lớn thường gặp nhau”. Tư tưởng của Hồ Chủ tịch và của ông Lý Quang Diệu là những tư tưởng lớn nên đã “gặp nhau”.

 

“Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”. Đó là câu nói của ông Lý Quang Diệu khi thăm Việt Nam năm 2007.

Sự trùng hợp kỳ lạ của hai bậc thiên tài

Một câu nói tuyệt vời của một tư tưởng vĩ đại và hoàn toàn có thể hiểu ngược lại, thậm chí rộng hơn: “Thất bại trong giáo dục là thất bại không chỉ của kinh tế mà là sự thất bại toàn diện”.

Ông Lý Quang Diệu đã nói câu trên bằng chính sự trải nghiệm thực tế của mình. Ngay từ những ngày đầu dành độc lập, với cương vị Thủ tướng, ông đã đề ra hàng loạt chính sách để trọng dụng nhân tài, tiếng Anh và quan điểm phát triển giáo dục.

Về trọng dụng, thu hút nhân tài, ông Lý đã có những chỉ đạo quyết liệt và cụ thể nên rất có hiệu quả ở cả hai phương diện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong nước đồng thời biến Singapore trở thành “vùng trũng”, hội tụ tài năng của nhiều quốc gia trên thế giới.

Thậm chí, là một đất nước có diện tích rất nhỏ bé nhưng Singapore vẫn cho phép và mời gọi những nhà khoa học, kỹ thuật lớn đến nhập cư, chấp nhận những cư dân trong khu vực, đặc biệt là những công dân đến từ Ấn Độ.

Ông cho lập 2 ủy ban trong đó một ủy ban có nhiệm vụ giúp những người có năng lực làm đúng nghề và một ủy ban kết hợp họ lại thành một xã hội thu nhỏ.

“Nếu không lấp vào chỗ trống bằng những tài năng nước ngoài, chúng tôi không làm cho đất nước vươn lên hàng đầu được. Họ chính là những megabytes bổ sung cho chiếc computer Singapore”. Ông Lý Quang Diệu thẳng thắn bày tỏ.

Một trong những quyết định được cho là “then chốt” để Singapore bắt nhịp sự phát triển của thế giới, đó là chọn tiếng Anh làm một trong bốn loại ngôn ngữ được sử dụng chính thức ở Đảo quốc Sư tử.

Với phương châm “Nắm vững tiếng Anh, đó là chìa khóa để giành lấy tri thức, công nghệ cao của phương Tây” nên trong tất cả các trường học ở Singapore đều dùng tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc. Điều này trái ngược hẳn với Malaysia dùng ngôn ngữ bản địa và hậu quả thì như mọi người đã biết.

Cũng trong lần thăm Việt nam năm 2007, ông Lý Quang Diệu đã có những chia sẻ rất tâm huyết: “Nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu”.

Điều kỳ lạ là dù tuổi đời cách nhau 33 năm, những điều ông Lý Quang Diệu (1923) nói hầu như trùng hợp với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890).

Về giáo dục, ngay từ những ngày đầu dành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 01 của nước Việt nam dân chủ cộng hòa về “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm”.

Điều này có thể hiểu là ưu tiên diệt giặc đói là số một, số hai là giặc dốt và thứ ba là giặc ngoại xâm.

Về trọng dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cử nhiều sinh viên ra nước ngoài học tập mà còn thu hút nhiều nhân tài về nước đóng góp cho Tổ quốc như các Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của…   

Đối với giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ bảo rất cụ thể và cho đến hôm nay vẫn chưa hề cũ, thậm chí còn đầy tính thời sự khi sự quá tải đang trở thành “hiểm họa”: “Trẻ em như búp trên cành – Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”.

Về đào tạo nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người”.

Trong suốt cuộc đời mình và cho đến khi từ giã cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một mong muốn lớn nhất: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”..

“Những từ tưởng lớn thường gặp nhau”. Tư tưởng của Hồ Chủ tịch và của ông Lý Quang Diệu là những tư tưởng lớn nên đã “gặp nhau”.

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!

 

1 - Bùi Thành (e-mail: Buivanthanh90@yahoo.com) - 06:55 24-03-2015
Tiếc thay thế hệ hậu sinh chưa làm được như lời Bác
2 - Lê Xuân Thủy (e-mail: lexuanthuy1962@yahoo.com.vn) - 07:04 24-03-2015
Khi tin cố thủ tướng Lý Quang Diệu đã ngoài tuổi 90 bị bệnh nặng,rồi qua đời,người Xinh ga po nghẹn ngào rơi nước mắt thương tiếc ông,người dân các nước trong khu vực,lãnh đạo các nước trên thế giới đều bày tỏ kính phục ông một con người tài ba,vì đất nước,vì người dân Xinh ga po phát triển vượt bậc. Theo tôi được biết lúc sinh thời,khi còn làm thủ tướng,hay chỉ là cựu thủ tướng thì ông Lý Quang Diệu đã sang Việt Nam nhiều lần,và mời phái đoàn cao cấp của nước ta sang thăm Singapore cũng nhiều lần rồi,ông cũng đã không dấu bí quyết,mà còn truyền kinh nghiệm cho để phát triển kinh tế,quản lý xã hội,song có lẽ những ý kiến của ông chưa phù hợp với Việt Nam chăng ?,nên chúng ta ngày càng thua kém xa Xinh ga po về mọi mặt. Cá nhân tôi cũng chỉ biết ông qua báo ,đài,ông chỉ là một luật sự thôi, Còn không hiểu gì thêm ,nên mấy hôm nay cũng tự vấn mình nhiều
3 - chi thoa nguyen (e-mail: danenguyen76@gmail.com) - 07:09 24-03-2015
cái gì ta cũng đi trước làm trước,thậm trí còn mời cả ông LEE sang làm cố vấn mà sao chưa thành công.Phải chăng nươc ta lớn hơn họ,giàu tài nguyên hơn nên con người ỷ lại...
4 - Chu Hoàng (e-mail: chuhoangtho_ngubinh@yahoo.com.vn) - 07:17 24-03-2015
làm sao để có được vị thế bằng hay gần bằng một nước sinh sau đẻ muộn như Sing ga po . việc công bị hỏng ở xứ ta thì nó cõ lẽ không khi nào lại đua nhau nở như bây giờ. Vậy sự học là phải học cái gì trước tiếng Anh chứ. Chúng ta học “lễ”. Trong “lễ” lại có “liêm sỉ”, trong “liêm sỉ” lại có “tự trọng”… mà cái “tiên” này chưa tốt nghiệp thì cái sự học còn lại phỏng có ích gì. Quanh quẩn lại cũng chỉ đi “đá quả”. Mà quả do “cây” sinh ra. Trong tự điển không có từ mục “đá quả” và vì thế trong luật cũng không có tội danh “đá quả” vì vậy “đá quả” sẽ lại dùng sợi “dây rút kinh nghiệm”. Chúng ta có cái này để thế giới và ngay cả Sing phải học ta. Sợi dây dài vô tận. Vì nó dài vô tân nên ta cứ kéo hoài.
5 - Thao (e-mail: trântho1961@yahô.com.vn) - 07:48 24-03-2015
Vì những lý luận " cao siêu " có lẽ nhiều nhà giáo dục của ta quên mất cơ bản của giáo dục rồi
6 - Nguyen Tien Dung (e-mail: dung@gmail.com) - 08:15 24-03-2015
mà sao nước ta nghèo hơn nước bạn nhiều thế, trong khi nước ta rừng vàng biển bạc còn nước bạn thì không có đủ nước ngọt để uống và chẳng có tài nguyên gì ?
7 - nguyễn quang trung (e-mail: trung4mhp@gmail.com) - 08:20 24-03-2015
Bài viết rất hay và các nhà quản lý giáo dục VN nên đọc và suy ngẫm. Sau bao năm ta thấy nền giáo dục VN vẫn như đang mò mẫm đường đi nước bước, cơ chế chính sách thay đổi luôn xoành xoạch, chả có đường lối rõ ràng ổn định gì. Học đâu chưa nói sao ta không học ngay Singapo đây. Mong bộ GD qua đây nên xem lại về các biện pháp và chính sách quản lý , phát triển giáo dục ở VN mình 1 cách thật cầu thị.
8 - Bùi Hải (e-mail: mrbuivanhai@gmail.com) - 08:33 24-03-2015
Chia buồn với đất nước Singapore đã mất đi một con người kiệt xuất; ông Lý đã tạo ra một nền móng vững chắc và hậu thế biết xây một bức tường chắc chắn trên nền móng đó. 30 năm ông Lý nắm quyền Thủ tướng (1960-1990) đã đưa đảo quốc Sư tử trở thành một đất nước đáng sống trong khu vực (Người Singapore chưa bao giờ coi mình là con rồng châu Á). Việt Nam có 40 năm (1975-2015) để xây dựng phát triển (ở một xuất phát điểm thấp - trải qua chiến tranh); tư tưởng của Bác vĩ nhân hơn ông Lý nhưng hậu thế của Bác thì không thể bằng hậu thế của ông Lý. Sau ông Lý, người Sing thu hút nhân tài và đưa giáo dục là xuất phát của mọi sự phát triển; sau Bác Hồ, người Việt chủ yếu giăng khẩu hiệu. Và kết quả, đất nước Singapore trở thành con rồng trong mắt bạn bè TG; Việt Nam trở thành con hổ có năng khiếu tha lợn...!?
9 - VŨ CÔNG SƯỞNG (e-mail: vusuong@gmail.com) - 08:36 24-03-2015
Trong văn bia Quốc tử giám có câu câu của Tiến sỹThân Nhân Trung "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" mà những tư tưởng của các bậc thiên tài chủ tịch Hồ Chí Minh và Ông Lí Quang Diệu đã thấm nhuần, luôn coi trọng giáo dục và thu hút nhân tài để phát triển đất nước Tiếc thay ở Việt nam những người kế thừa không phát triển được ý tưởng này!
10 - Trần Minh (e-mail: muongbon@gmail.com) - 08:36 24-03-2015
"...thu hút nhiều nhân tài về nước đóng góp cho Tổ quốc như các Giáo sư Tôn Thất Tùng,...". Thông tin này hoàn toàn không chính xác rồi bloger ơi. Giáo sư Tôn Thất Tùng là sinh viên trường Y Hà Nội. Sau đó làm việc ở bênh viện Phủ Doãn (nay là bênh viện Việt Đức) trước khi lên chiến khu Việt Bắc. Ông chưa bao giờ làm việc ở nước ngoài.
Blogger trả lời lúc 09:40 24-03-2015
Xin cám ơn bạn. Trân trọng!
11 - Đỗ Hải Ninh (e-mail: ninhdlha@gmail.com) - 08:55 24-03-2015
""vì sự nghiệp 10 năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người "" . Điều này người dân VN ai ai cũng biết, cũng thấm nhuầm , cớ sao các nhà lãnh đạo lại lại thờ ơ , ko đi sâu đi sát . (sự việc chặt 6.700 cây xanh ở HN ) . Còn đó di chúc của Bác để lại chúng ta đã thực hiện được 2 điều : nước ta đã hoàn toàn độc lập, dân ta đã hoàn toàn được tự do -> Điều này lúc Bác còn sống đã làm được rồi , nhưng còn 2 điều sau liệu giờ đây sau mấy chục năm giải phóng đất nước , đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành chưa ? xin trả lời là CHƯA ! Vậy câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để AI CŨNG CÓ CƠM ĂN , ÁO MẶC, AI CŨNG ĐƯỢC HỌC HÀNH => điều này phụ thuộc vào mỗi con người chúng ta , vào những nhà lãnh đạo đất nước tài ba . DÂN PHẢI GIẦU NƯỚC MỚI MẠNH ĐƯỢC . XIN HÃY NHỚ ĐIỀU NÀY ...
12 - Trần Mão (e-mail: mao@yahoo.com) - 08:57 24-03-2015
Và bây giờ VN thất bại trong giáo dục và cũng đồng nghĩa thất bại trong kinh tế. và câu nầy đúng với VN vì trong bao nhiêu năm nay ngành GD Việt Nam như con gà mắc tóc cứ loay hoay trong mớ bòng bong không biết chừng nào thoát được
13 - Võ Tá Luân (e-mail: vo12luan@yahoo.com) - 08:59 24-03-2015
Ông Lý Quang Diệu thọ 91 tuổi. Từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. từ một vùng đất làng chài ít ai biết đến ông đã biến Singapore trở nên một cường quốc của Châu Á. Sinh năm 1923, ông thuộc thế hệ thứ tư của một gia đình Khách Gia định cư tại Singapore. Là một sinh viên ưu tú, ông qua Anh học tại trường Đại Học Kinh Tế London và Đại Học Cambridge, tốt nghiệp ngành Luật. Về nước, vào năm 1954 ông tham gia thành lập và là thủ lãnh của Đảng Nhân Dân Hành Động (People’s Action Party, PAP). Năm 1959 PAP thắng cử, Singapore trở nên độc lập và ông trở thành Thủ Tướng. PAP thắng cử liên tục trong các kỳ bầu cử sau đó và ông giữ vai trò Thủ Tướng trong suốt 31 năm cho đến năm 1990 khi ông từ nhiệm. Singapore ngày nay là một quốc gia phát triển về mặt kinh tế đứng hàng đầu Châu Á, mức thu nhập bình quân đầu người, GDP, hiện nay là trên 55 ngàn Mỹ kim. So sánh với Mỹ 53 ngàn, Nhật 38 ngàn, Trung Quốc 6800 và Việt Nam 1911 Mỹ kim. Ngày nay bình quân thu nhập hàng năm của một người VN chỉ bằng 3,5% một người dân Singapore.
14 - Bùi Hạnh (e-mail: buihanh81@yahoo.com) - 09:02 24-03-2015
Cảm ơn tác giả . Tôi thấy giáo dục của chúng ta bị tụt hậu lại vì sự tham nhũng quá lớn. Mục đích của cải cách giáo dục không phải vì sự tiến bộ mà rút ngân sách, sự đóng góp của dân vào túi của Họ.
15 - vodinh (e-mail: vodinhbd@yahoo.com) - 09:04 24-03-2015
Đung vậy, những bậc hiển tài luôn biết nhìn xa trông rộng, những kẻ nho nhoi luôn chỉ biết cái túi của mình.Người dân có quyền đặt câu hỏi : vì đất nước hay vì túi của mình? Tai sao nói vì đất nước lại ko chịu nghe lời những bậc thánh nhân, VN cứ thi nhau tham nhủng, cứ thi nhau vơ vét mải
16 - hoanglan (e-mail: hoanglan@gmail.com) - 09:20 24-03-2015
Muốn làm lãnh đạo đương nhiên phải có tài, nhưng cái quan trọng nhất của người làm lãnh đạo lại là cái TÂM. Chủ tịch HCM đã nói "có tài mà không có ĐỨC thì vô dụng". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh cả đời mình cho dân tộc, đại tướng Võ Nguyện Giáp một lòng vì Tổ Quốc thân yêu cùng biết bao con người khác đã xả thân vì đất nước hay gần đây nhất là bác Nguyễn Bá Thanh.
17 - Chung (e-mail: chungqc89@gmail.com) - 09:22 24-03-2015
Đọc Commets của các bác chỉ thấy phê bình và phê bình, điều đó tôi thấy không sai tuy nhiên thay vào đó chúng ta hãy đưa ra các giải pháp, các ví dụ thực tiễn. Theo quan điểm của tôi cái máu thích phê bình, đánh giá 1 người hay 1 sự việc gì nó đã ăn vào tư duy của rất nhiều người VN thì phải và nếu chúng ta cứ suy nghĩ theo nối mòn đó chắc đất nước sẽ không phát triển được. Hãy nhìn nhận vào thực tiễn và thay đổi chúng theo hướng tư duy tích cực chứ đừng biện minh, chê trách bởi theo tôi mọi thứ đều bắt nguồn từ tư duy, mà tư duy của mình phải do mình làm chủ chứ, 1 người suy nghĩ tích cực, 1 cộng đồng suy nghĩ tích cực, 1 dân tộc có suy nghĩ tích cực tôi ko tin đất nước đó ko phát triển. Với con em, hãy thay đổi tư duy khi chúng còn nhỏ để sau này khi lớn lên chúng có hệ tư tưởng vững vàng, đó mới là cái mà người lớn, các bậc cha mẹ cần làm, còn với các bạn trẻ hãy luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống chứ đừng lấy khó khăn để biện minh cho thất bại của mình. Còn tư duy tích cực theo tôi đơn giản chỉ là luôn hướng tới mọi thứ tốt đẹp hơn.
18 - Nguyễn Đức Thành (e-mail: ducthanhpanos@gmail.com) - 09:26 24-03-2015
Quan trọng nhất của nền Giáo Dục chính là môn Đạo Đức Nghề Nghiệp (Professional Ethics). Xấu xa nhất là hành vi hối lộ và nhận hối lộ. Làm tốt 2 việc này (đào tạo thật kỹ đạo đức nghề nghiệp và phòng chống hối lộ và nhận hối lộ) là đã hoàn thành 50% sự nghiệp Giáo Dục...
19 - Lê Thị Ngọc Lan (e-mail: lnngoclan163@gmail.com) - 09:34 24-03-2015
Cái mong muốn của Bác Hồ thật giản đơn "Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan", chỉ đơn giản gần gũi vậy thôi mà các nhà cải cách giáo dục của Ta bây giờ suy nghĩ cao siêu quá thành ra luẩn quẩn, cải cách giáo dục hiện nay làm cho trẻ em không còn đủ thời gian để ăn, để chơi, mà biến các em thành những cỗ máy mất rồi
20 - ABC (e-mail: tinhoc.pc@gmail.com) - 10:07 24-03-2015
Vẫn đề cần đổi mới GD và đổi mới như thế nào đã khá rõ ràng. Việc còn lại: người lãnh đạo trong ngành GD đứng ra cam kết: Đảm bảo đưa nền GD nước ta đi đến thành công mà thôi!
21 - Lê Mau (e-mail: quynhthudan234) - 10:20 24-03-2015
“Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”. Đó là câu nói của ông Lý Quang Diệu khi thăm Việt Nam năm 2007. Nhưng đến nay, ta vẫn cứ tù mù tìm 2 chữ GIÁO DỤC là gì?
22 - lê thị hồng (e-mail: co-giao_hong@yahoo.com.vn) - 10:30 24-03-2015
Tôi rất TÂM ĐẮC TRIẾT LÍ GIÁO DỤC CỦA ÔNG : "THẤT BẠI TRONG GIÁO DỤC NGHĨA LÀ THẤT BẠI....TOÀN DIỆN". GIÁO DỤC" LÀ NHÀ SẢN XUẤT RA TRÍ TUỆ - CHẤT XÁM - TÀI NĂNG" - VẬY CỚ SAO, GIÁO DỤC CỦA VN TA CỨ THAY ĐỔI XOÀNH XOẠCH, NHƯ KIỂU NÔNG NGHIỆP VỤ NÀY TRỒNG CÂY NÀY, VỤ SAU THAY ĐỔI TRỒNG CÂY KHÁC ĐỂ THAY ĐỔI "GIỐNG CÂY TRỒNG"...
23 - tdanh (e-mail: td gmai.com.vn) - 10:45 24-03-2015
mong moi nguoi hay doc va suy ngam, nhat la cac vi dang lam cong tac giao duc
24 - Đăng Sơn (e-mail: soss_tien17@yahoo.com) - 10:54 24-03-2015
Rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, thực hiện tốt
25 - Pham The Hien (e-mail: hienpt.ndm@gmail.com) - 11:02 24-03-2015
“Nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu”. Cụ Lý Quang Diệu đã nói vậy. Nhưng sau bao nhieu năm thực hiện đề án ngoại ngữ thi đa số học sinh ở Việt Nam đặc biệt là ở vung nông thôn không nõi nổi một câu tiếng anh, và cũng chỉ biết viết vài từ mặc dù họ học tốt các môn thi khác để thi vào đại học.
26 - Dỗ Công Tâm (e-mail: Congtam@gmail.com) - 11:06 24-03-2015
Nói it làm nhiều, làm việc có tri thức, có hoach định, không tham nhũng tư lợi, một lòng vi dân. thuc đẩy kinh tế từ trí tuệ, phat triển kinh tế song song phát triển giáo dục có định hướng, có kế hoạch thu hút nhân tài..,.. Đó là hướng đi của ông Quang Diệu, thật là kỳ diệu cho Singapore
27 - nguoi tre (e-mail: tre@yopmail.com) - 11:07 24-03-2015
like cho câu "Nắm vững tiếng Anh, đó là chìa khóa để giành lấy tri thức, công nghệ cao của phương Tây". ---RIP--- MR Lee Kuan Yew
28 - viethung (e-mail: hungvit@gmail.com) - 14:10 24-03-2015
ông L .Q. D. đã biến những ước mơ của mình (làm cho dân giầu nước mạnh ) thành sự thật ! xứng đáng là ông thánh của dân singgapo !
29 - Tanakeda (e-mail: Tanakeda2002@yahoo.com) - 14:10 24-03-2015
Còn một thiên tài nữa, Quản Trọng (chữ Hán: 管仲; 725 TCN - 645 TCN).
30 - Long (e-mail: long@yahoo.com) - 16:28 24-03-2015
Vậy thì VN đang thất bại toàn diện. Hơn 20 năm giáo dục liên tiếp tụt lùi và tụt hậu.
31 - laden (e-mail: phonuicao@yahoo.com) - 14:51 25-03-2015
đừng so sánh VN với SIN mà hãy so sánh với Lào và Cambodia , chúng ta sắp bị bỏ lại rồi , đến cây ngoài đường các quan còn không tha , thì làm sao để tâm tới phát triển đất nước ...buồn cho dân tộc Việt Nam
32 - Hai đang (e-mail: danguydn_0808@yahoo.com) - 14:31 26-03-2015
Bác Hồ viết: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.
33 - Hoàng Long (e-mail: hôanglng23@gmail.cômn) - 15:52 26-03-2015
Điều khác nhau cơ bản là Lý Quang Diệu thực hiện những điều mình nói, còn VN cthì không.
34 - Phạm Thế Hùng (e-mail: 0989912216) - 18:39 26-03-2015
Chừng nào nước mình mới theo được các nước bạn, mong các cấp cao quyết định cho nước nhà.
35 - viphamthixu (e-mail: thinam2606@gmail.com) - 22:58 26-03-2015
nền giáo dục của vn chưa tốt nên cứ cải cách hàng năm và cứ thế cải ........ nhau mãi..... khi ông Lý nghĩ rằng mình làm chưa xong những dự định giúp Sing phát triển vì vậy ông tiếp tục làm nữa. Còn theo nhiệm kỳ của vn nghĩ khác, làm nhiêu đó là tốt rồi...
36 - trọng bằng (e-mail: gmail.@,trongbang.co.vn.) - 08:33 27-03-2015
cụ hồ và ông diệu là bậc thiên tài đều cùng một tư duy về trọng dụng hiền tài đặc biệt là người lãnh đạo, thế mà ở vn ta...???
37 - Thanh Bình (e-mail: thanhbinhtkxd@ymail.com) - 09:48 27-03-2015
Các cụ xưa thường dậy, quý hồ tinh bất quý hồ đa. Nhưng ngành giáo dục của ta hiện giờ lại là quý hồ đa bất quý hồ tinh.Trường đại học mở ra như nấm, điểm nào cũng vào được đại học (đạt 8 điểm ba môn thi cũng được vào ĐH). Thôi thì thượng vang hạ cám, tuyển cho bằng hết vì trót đẻ (cho mở ồ ạt các trường) nên đành phải nuôi!!! Học xong, thầy chẳng ra thầy thợ chẳng ra thợ mất thời gian, lãng phí tiền của của biết bao người!