Logo
03/29/2015

Lý Quang Diệu và những phát ngôn đáng suy ngẫm

Ông Lý Quang Diệu được coi là nhà tư tưởng lỗi lạc và là một trong những nhân vật chính trị có tầm ảnh hưởng toàn cầu tại châu Á.

Là một nhà hùng biện nổi tiếng, ông Lý Quang Diệu được biết đến với khả năng thu hút thính giả bằng những tuyên bố với những từ ngữ được chắt lọc kỹ càng của mình. 

Hãng tin CNBC đã tổng hợp một số câu nói bất hủ của ông Lý Quang Diệu: 

Trong gian đoạn lâm bệnh nặng: 

“Dù tôi đang nằm trên giường bệnh và mọi người chuẩn bị đưa tôi xuống mộ, nhưng nếu tôi cảm thấy có điều gì không đúng, tôi sẽ lại bật dậy. Những người tin rằng, sau khi rời bỏ cương vị Thủ tướng tôi sẽ nghỉ ngơi hoàn toàn cần phải đi kiểm tra lại đầu óc của họ”. 

Về quản trị cá nhân 

“Tôi thường bị lên án vì can thiệp sâu vào đời sống cá nhân của người dân. Đúng là như vậy vì nếu tôi không làm thế, chúng ta khó có được vị thế ngày hôm nay. Tôi có thể nói mà không hối hận gì rằng nếu Chính phủ không can thiệp vào mọi vấn đề cá nhân của người dân như hàng xóm của bạn là ai, bạn sinh sống như thế nào, bạn gây ra tiếng ồn, khạc nhổ hoặc nói năng như thế nào, chúng ta sẽ không thể đạt được tiến bộ nào về kinh tế. Chúng tôi sẽ quyết định điều gì là đúng đắn bất chấp người dân nghĩ gì đi chăng nữa”. 

Việc bị chỉ trích là “bảo mẫu của Singapore”: 

“Nếu Singapore là một quốc gia có người bảo mẫu thì tôi rất tự hào vì đã “nuôi dưỡng” nó”. 

Gây dựng các mối quan hệ: 

“Cho đến cuối đời, điều tôi quan tâm nhất chính là các mối quan hệ cá nhân. Nhờ có sự hỗ trợ tối đa của vợ và bạn bè của mình, tôi đã sống một cuộc sống trọn vẹn nhất. Nhờ những mối quan hệ mà tôi đã dày công vun đắp này, tôi đã trở thành chính mình ngày hôm nay”. 

Lời khuyên về hôn nhân: 

“Nếu một người đàn ông tốt nghiệp đại học lại không muốn lấy một người phụ nữ cũng tốt nghiệp đại học thì tôi sẽ nói với anh ta rằng, anh là một thằng ngốc. Nếu anh cưới một phụ nữ chưa tốt nghiệp đại học, anh sẽ gặp rất nhiều vấn đề vì con của hai người có thể thông minh nhưng cũng có thể là không như vậy. Điều này nhiều khi sẽ khiến anh phải “vò đầu bứt tóc”. Vì thế, đừng quên lời khuyên này”. 

Một bức tượng tại bảo tàng sáp Madame Tussauds: 

“Khi tôi đến thăm bảo tàng Madame Tussauds vào năm 1940, ở đó có hai nhóm tượng: Tượng những người nổi tiếng và những người khét tiếng trên thế giới. Đó là tượng các vua Anh, các nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới hay những kẻ giết người không gớm tay. Tôi hy vọng bảo tàng Madame Tussauds sẽ không đặt tượng tôi quá gần tượng những kẻ khét tiếng”. 

Về di sản của ông: 

“Tôi không còn có thể tham gia tích cực vào các vấn đề chính trị. Sẽ không phù hợp nếu tôi nghĩ về những gì mà thanh niên Singapore nghĩ về tôi. Những gì họ nghĩ về tôi sau khi tôi chết sẽ được những nhà nghiên cứu làm luận văn Tiến sĩ viết đúng không nhỉ? Tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều người muốn xét lại tôi giống như họ đã làm với các ông Stalin, Brezhnev (lãnh đạo Liên bang Xô viết) và có thể là với các ông Yeltsin (cựu Tổng thống Nga) và sau này là ông Putin (Tổng thống Nga hiện nay). Tôi đã sống đủ lâu để hiểu rằng, khi bạn còn sống, họ sẽ tung hô bạn nhưng sau đó họ sẽ soi mói khi bạn đã chết”./.

Trần Khánh/VOV.VN

Lý Quang Diệu là chính khách nổi tiếng đã biến Singapore từ một thành phố cảng nhỏ thành một trung tâm tài chính toàn cầu.

Ông cho rằng người dân nên được uốn nắn bởi chính phủ để thành các quốc gia (hiệu quả) – và ông cũng không hối hận về những chính sách mà mình đã đề ra cho mục tiêu này.

Tách ra khỏi Malaysia

Trích từ một buổi họp báo đầy xúc cảm vào ngày 9 tháng 8 năm 1965, sau khi Malaysia bỏ phiếu trục xuất Singapore:

“Đối với tôi, đây là một thời khắc đau đớn bởi vì trong toàn bộ cuộc đời của tôi…bản thân tôi đã tin tưởng vào sự hợp nhất và thống nhất của cả hai vùng lãnh thổ. Bạn biết đấy, đây là một dân tộc, được nối kết với nhau bởi địa lý, kinh tế, và mối quan hệ anh em. Các bạn không phiền nếu chúng ta dừng lại một chút chứ? [buổi họp báo dừng lại để ông Lee có thể lấy lại sự điềm tĩnh]

[Sau một số đoạn] Không có gì phải lo lắng cả. Nhiều thứ sẽ vẫn tiếp tục hoạt động như bình thường. Nhưng hãy vững vàng, và hãy bình tĩnh. Chúng ta sẽ chứng kiến một nước Singapore đa sắc tộc…Mọi người ai cũng sẽ có chỗ đứng của mình: bình đẳng; ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo.”

Tự do báo chí

Phát biểu trước Đại hội đồng Học viện Báo chí Quốc tế tại Helsinki vào ngày 9 tháng 6 năm 1971:

“Vai trò mà người dân và chính phủ tại những quốc gia non trẻ muốn truyền thông đại chúng đảm nhiệm là gì?…Truyền thông đại chúng giúp trình bày các vấn đề của Singapore một cách đơn giản và rõ ràng, sau đó mô tả làm thế nào người dân có thể giải quyết những vấn đề đó bằng cách ủng hộ cho một số chính sách hay chương trình nhất định. Quan trọng hơn, chúng tôi muốn truyền thông đại chúng phải có khả năng bồi đắp, chứ không phải là bào mòn, các giá trị văn hoá và thái độ xã hội vốn đã được dạy dỗ trong các trường học của mình.

[Sau một vài đoạn] Tự do báo chí, tự do truyền thông, phải nằm dưới các yêu cầu cấp bách khác giúp gia tăng tính liêm chính của Singapore, và phải nằm dưới các mục đính của một chính phủ được dân bầu.”

Vai trò của nhà nước

Phát biểu trong ngày Quốc khánh năm 1986, được trích dẫn bởi Straits Times vào ngày 20 tháng 4 năm 1987:

“Tôi thường xuyên bị chỉ trích vì can thiệp vào đời sống riêng tư của người dân. Vâng, và nếu tôi không làm thế, chúng ta sẽ chẳng có được ngày hôm nay.

Và tôi sẽ nói không một chút hối hận, rằng chúng ta sẽ không ở đây, chúng ta sẽ không đạt được tiến bộ kinh tế, nếu chúng ta không can thiệp vào các vấn đề cá nhân – từ hàng xóm của bạn là ai, bạn sống như thế nào, bạn được phép làm ồn ra sao, khạc nhổ như thế nào, hay bạn đang sử dụng ngôn ngữ gì. Chúng tôi quyết định điều gì là đúng.”

Phương Tây

Phóng vấn với tạp chí Foreign Policy, Số Tháng 3/Tháng 4 năm 1994:

“Tôi nói thật nhé; nếu chúng tôi không lấy những đặc điểm tốt của phương Tây để dẫn đường, có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ thoát ra được tình trạng trì trệ của mình. Chúng tôi có thể sẽ là một nền kinh tế trì trệ với một xã hội trì trệ. Nhưng chúng tôi không tiếp thu tất cả mọi thứ của phương Tây.”

[Trả lời một câu hỏi khác]

“Để tôi đưa cho bạn một ví dụ có thể miêu tả ngắn gọn nhất sự khác biệt giữa Mỹ và Singapore. Nước Mỹ gặp phải vấn đề tồi tệ liên quan tới ma tuý. Làm thế nào họ giải quyết vấn đề đó? Người Mỹ đi khắp thế giới nhằm giúp đỡ những cơ quan phòng chống ma tuý khác ngăn chặn những kẻ buôn ma tuý…Singapore không có lựa chọn đó. Tất cả những gì chúng tôi làm là thông qua một đạo luật nói rằng bất cứ nhân viên hải quan hay cảnh sát nào nhận thấy bất cứ ai tại Singapore có dấu hiệu khả nghi…có thể yêu cầu người đó thử nước tiểu. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với ma tuý, người đó ngay lập tức được đưa đi điều trị. Ở Mỹ nếu làm như vậy sẽ bị coi như vi phạm quyền tự do cá nhân và bạn sẽ bị kiện.”

Đối lập chính trị

Về JB Jeyaretnam, một luật sư và nghị sĩ đối lập ủng hộ tự do hơn nữa nhưng bị làm cho phá sản bởi ông Lý thông qua toà án, trong cuốn Lee Kuan Yew, The Man And His Ideas, 1997:

“Nếu bạn là một kẻ gây phiền phức…chúng tôi có nghĩa vụ chính trị là phải huỷ diệt bạn. Nhớ lấy điều đó. Chừng nào mà JB Jeyaretnam còn cố chấp với những quan điểm của mình – vốn hoàn toàn mang tính chất phá hoại – thì chúng tôi sẽ hạ bệ ông ta. Tất cả mọi người đều biết rằng tôi sở hữu một cái rìu nhỏ trong túi, và nó rất sắc. Bạn tấn công tôi, tôi sử dụng cái rìu của mình, và chúng ta gặp nhau trong một cái ngõ cụt không lối thoát.”

Hình mẫu Singapore

Bài phỏng vấn với New York Times, 29 tháng 8 năm 2007:

“Chúng tôi biết rằng nếu chúng tôi giống như các nước láng giềng của mình, chúng tôi sẽ chết. Bởi vì chúng tôi chẳng có gì khác nếu so với họ để mà mời gọi. Vì thế chúng tôi phải tạo ra cái gì đó khác biệt và tốt hơn cái mà họ đang có. Đó chính là tính liêm khiết, là sự hiệu quả, là chế độ đãi ngộ nhân tài. Và lựa chọn này thực sự hiệu quả.

Chúng tôi là người thực dụng…Cái này có hiệu quả không? Cứ thử và nếu nó hiệu quả, tốt thôi, cứ tiếp tục. Còn không, vứt nó qua một bên, thử cái khác. Chúng tôi không bị dính chặt với bất cứ một hệ tư tưởng nào cả.”

Các thách thức trong tương lai

Bài phỏng vấn với New York Times, 13 tháng 9 năm 2010:

“Điều hối tiếc của tôi là công trình nguy nga vĩ đại hiện tại chỉ được xây dựng trên một nền móng quá hẹp, vì thế tôi phải dặn dò thế hệ mai sau, đừng xem những gì được xây dựng nên là điều hiển nhiên, là thứ có sẵn.

Nếu bạn quên rằng đây chỉ là một hòn đảo nhỏ nơi mà chúng ta xây dựng nên một toà tháp cao 100 tầng, và có thể lên đến 150 tầng nếu bạn đủ thông thái. Nhưng nếu bạn tin rằng điều này là vĩnh cửu, thì toà tháp sẽ sụp đổ và bạn sẽ không thể nào có được cơ hội thứ hai.”

Di sản của ông Lý

Bài phỏng vấn với New York Times, 13 tháng 9 năm 2010:

“Phán quyết cuối cùng sẽ không phải là nằm trong cáo phó của tôi. Phán quyết cuối cùng là khi các nghiên cứu sinh tiến sĩ đào xới kho lưu trữ, đọc những bài báo cũ về tôi, đánh giá những gì kẻ thù của tôi nói, sang lọc bằng chứng và tìm ra sự thật.

Tôi không khẳng định rằng mọi việc mình làm đều đúng, nhưng mọi thứ mà tôi làm là vì một mục đích đáng trân trọng.”

Lệnh cấm kẹo cao su

Bài phỏng vấn với ký giả của BBC, tháng 6 năm 2000:

“Nếu bạn không thể nghĩ ngợi được điều gì nếu không nhai kẹo cao su, hãy thử một quả chuối xem.”

- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2015/03/24/nhung-cau-noi-noi-tieng-cua-ly-quang-dieu/#sthash.Nsr32vAp.dpuf