Logo
03/29/2015

Chuyện tề gia của Lý Quang Diệu

Trong cuốn hồi ký thứ hai của cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu mang tên Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất,
Trong cuốn hồi ký thứ hai của cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu mang tên Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất, chỉ có một phần ít ỏi được dành để viết về gia đình. Nhưng đó lại là phần mà ông thể hiện mình nhiều nhất. Dưới đây là những đoạn ông dành viết về vợ và các con. Có một điều về những người cộng sản mà tôi luôn kính trọng, đó là việc họ coi vợ như một đồng chí và hiểu được rằng một người vợ tốt sẽ nâng bước cho chồng vững chắc trên mọi ngả đường. Trong chuyện gia đình, tôi là người may mắn. Choo, vợ tôi, không bao giờ lung lạc mỗi khi tôi bước vào một cuộc đấu tranh. Bà là nguồn sức mạnh và nguồn an ủi lớn lao cho tôi. Trong các mối quan hệ, tôi luôn luôn dựa vào lý lẽ, còn bà thì dựa vào những linh cảm nhiều hơn. Nhưng bà luôn luôn đúng khi nhìn nhận một con người vì dường như Choo có khả năng nhìn thấu nội tâm người đối diện đằng sau những nụ cười và hành xử lịch thiệp. Tôi vẫn thường coi trọng ý kiến của bà trong chuyện đối nhân xử thế. Choo tránh cho tôi khỏi vướng bận vì những lo toan thường nhật. Bà là một luật sư giỏi và cũng là một người mẹ hết mực thương yêu con cái. Bà dạy con của chúng tôi biết hành xử đúng, biết giữ kỷ luật, và nhất là biết kính trên nhường dưới dù ngay từ khi chào đời, các con tôi đã là "con thủ tướng". Nhà chúng tôi nằm trên phố Oxley, cách văn phòng Choo chừng 7 phút lái xe. Trưa nào bà cũng về nhà dùng cơm với bọn trẻ... Chúng tôi chỉ khác nhau cách đối xử với con. Khi bọn trẻ phá phách, bà dùng roi. Còn tôi thì chỉ dùng vài lời nghiêm khắc. Ngày xưa cha tôi hay dùng vũ lực với con cái, vì thế tôi là người chống lại việc dùng gậy dạy con. Dạy con tự đi trên đôi chân Từ khi trở thành thủ tướng vào năm 1959, gia đình chúng tôi đã quyết định không sống trong khu vực dành cho giới chính khách. Bọn trẻ còn quá nhỏ, vợ chồng tôi không muốn chúng được nuôi dạy trong khu vực có quá nhiều người phục vụ, vì e ngại điều đó sẽ làm lệch lạc cách bọn trẻ nhìn cuộc sống. Cả 3 đứa con chúng tôi đều được học những trường phổ thông tiếng Hoa. Khả năng của chúng ngang nhau, giỏi toán và các môn tự nhiên, học tiếng Hoa thì trung bình, còn các môn thi ca nhạc họa thì dở. Cả ba đứa đều được học bổng của tổng thống. Con trai cả của chúng tôi là Hsien Loong, thích học môn Toán, thi vào Cambridge rồi Harvard. Con gái thứ, Wei Ling, học ngành y tại Singapore. Con trai út Hsien Yang thì học kỹ sư tại Cambridge rồi đến Stanford. Loong (hiện nay là phó thủ tướng Singapore) luôn quan tâm đến những vấn đề trong nước. Cháu nó giỏi toán, là học sinh xuất sắc của cả trường, nhưng lại không chọn đi theo con đường toán học dù các thầy cô rất khuyến khích điều đó. Nó theo học thêm ngành chính trị, rồi khi tốt nghiệp quyết định trở về nước. Trong lá thư gửi thầy học mà chúng tôi được nhà trường cho xem, Loong viết: "Tôi luôn biết mình muốn trở về Singapore. Không chỉ vì tôi sợ mình sẽ vắt hết chất xám ở nước ngoài mà còn vì tôi thuộc về Singapore và tôi muốn sống cuộc đời mình ở đó. Một nhà toán học ít có tiếng nói trong việc đại sự quốc gia, mà tôi thì muốn làm một điều gì đó cho đất nước mình. Có khi cũng sẽ bị nói ra nói vào, nhưng vẫn còn đỡ hơn là chẳng làm được gì cả". Năm đó Loong 20 tuổi. Năm 1978 Loong cưới vợ. Đứa con thứ hai của vợ chồng nó ra đời năm 1982, bị bạch tạng và khiếm thị. Ba tuần sau đó, vợ Loong qua đời vì bệnh tim. Thế giới của nó sụp đổ, cả gia đình tôi thì lo lắng đứa nhỏ sau sẽ bị chậm phát triển. Nhưng rồi cháu chúng tôi cũng lớn lên, thành đứa cháu ngoan nhất trong gia đình... Năm 1985 Loong đi bước nữa, may mắn là người vợ sau thương yêu cháu như con đẻ của mình. Yang thì cưới vợ khi còn học Cambridge và có ba con. Sau 15 năm phục vụ quân ngũ, Yang trở thành nhân vật thứ hai trong Công ty Viễn thông Singapore. Thành công ở khu vực nhà nước, nhưng Yang lại muốn thử thách mình trong khu vực tư nhân nên đã về làm việc cho công ty điện thoại Singtel. Khi Yang được tiến cử vào vị trí lãnh đạo, nhiều người cho rằng đó là nhờ thanh thế gia đình tôi. Nhưng thời gian chứng minh được khả năng của nó, rồi mọi chuyện cũng qua. Ling hiện là bác sĩ thần kinh, trợ lý giám đốc Viện khoa học thần kinh quốc gia. Ling sống độc thân như nhiều phụ nữ Singapore cùng thế hệ và ở cùng vợ chồng tôi như một gia đình châu Á truyền thống. Nó thích làm việc từ thiện, tham gia các trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật... Gia đình chúng tôi vẫn gắn bó với nhau. Hằng tuần vào chủ nhật, hai đứa con trai dẫn cả gia đình về dùng cơm. Đám cháu tôi nghịch phá, lúc nào cũng làm náo loạn cả phòng ăn. Các con tôi nuông chiều con cái quá mức, đôi khi điều đó cũng chẳng hay. Nhiều người đã làm hỏng con mình ngay từ bé chỉ vì quá nuông chiều chúng. Ngày xưa, có thể chúng tôi quá nghiêm khắc, nhưng điều đó lại tốt cho các con tôi... (Theo SGTT)